Nhãn hiệu (trademark) là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên hiện nay, có rất nhiều người làm kinh doanh chưa thật sự hiểu chính xác nhãn hiệu là gì dẫn đến sự nhầm lẫn với logo, thương hiệu. Điều này phần nào ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh cũng như tiếp thị, quảng cáo. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ nhãn hiệu là gì cũng như các vấn đề liên quan đến nhãn hiệu.



Nhãn hiệu là gì?

Từ thời xa xưa, để phân biệt các loại gia súc của các hộ chăn nuôi khác nhau, người ta đóng dấu lên chúng. Sau đó, các nhà sản xuất gốm, tơ lụa, da thú cũng sử dụng phương pháp này để phân biệt sản phẩm của mình với các nhà sản xuất khác. Đấy chính là tiền đề của nhãn hiệu.

Có khá nhiều khái niệm giải thích nhãn hiệu là gì, nhưng có lẽ định nghĩa của chuyên gia marketing nổi tiếng thế giới Philip Kotler là cô đọng và dễ hiểu nhất cho người đọc:

“Nhãn hiệu sản phẩm là tên, thuật ngữ, dấu hiệu, biểu tượng, hình vẽ hay sự phối hợp giữa chúng, có công dụng dùng để xác nhận hàng hóa hay dịch vụ của một người bán hay một nhóm người bán và phân biệt chúng với các hàng hóa, dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh”.

Khi đứng trước những dòng sản phẩm/dịch vụ nào đó, người tiêu dùng không lựa chọn chúng thông qua hình dáng bên ngoài dựa vào nhãn hiệu. Nhãn hiệu là tài sản của doanh nghiệp kinh doanh và được đăng ký bảo hộ bản quyền.

Nhãn hiệu có phải là thương hiệu không?

Dù đã hiểu rõ nhãn hiệu là gì, có không ít người nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và thương hiệu. Thực chất trong một số trường hợp, nhãn hiệu có thể là thương hiệu, tuy nhiên bản chất hai cái không giống nhau. Nhãn hiệu là yếu tố hữu hình cấu thành nên thương hiệu; còn thương hiệu là tổng hợp của nhiều yếu tố để tạo nên danh tiếng cho một doanh nghiệp.

Một đơn vị kinh doanh được đặc trưng bởi một thương hiệu, tuy nhiên đơn vị đó có thể có nhiều nhãn hiệu khác nhau. Khi một sản phẩm mới ra đời, doanh nghiệp phải gắn cho sản phẩm một nhãn hiệu riêng. Ví dụ như thương hiệu xe máy Honda có các nhãn hiệu như Dream, Vision, Lead, Airblade…; Hoặc ở thương hiệu Coca-Cola, ngoài nhãn hiệu Coca-Cola, thương hiệu này còn có tới 500 nhãn hiệu nước ngọt tại các quốc gia khác nhau như Fanta, Sprite, Dr.Pepper, Powerade…

Ở nhiều công ty mới, nhãn hiệu đóng vai trò quyết định đến việc định vị thương hiệu vì khi nhãn hiệu đó xuất hiện trên thị trường và nhận được sự yêu thích, tin tưởng từ người tiêu dùng thì lâu dài sẽ trở thành thương hiệu cho doanh nghiệp. Nhãn hiệu gắn liền với sản phẩm, do đó có vòng đời và có thể bị lỗi thời. Nhưng một khi nhãn hiệu đã trở thành thương hiệu, thì thương hiệu đó sẽ trường tồn theo thời gian, in sâu trong tâm trí khách hàng.

Vai trò của nhãn hiệu đối với doanh nghiệp

Quay trở lại với khái niệm nhãn hiệu là gì, chúng ta thấy mục đích chính của nhãn hiệu là để phân biệt các hàng hóa với nhau. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là nhãn hiệu không quan trọng và nhà kinh doanh có thể tùy tiện xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm của mình.

Để giành được lợi thế cạnh tranh cũng như phát triển thương hiệu một cách vững mạnh, điều đầu tiên doanh nghiệp cần có đó là điểm nhận diện nhãn hiệu phải thật nổi bật.

Hãy thử tưởng tượng khi bạn đi mua sắm ở siêu thị, không xét đến khía cạnh các sản phẩm từ những thương hiệu đã nổi tiếng thì điều gì làm bạn quyết định chọn mua một mặt hàng mới? Chỉ có thể dựa vào nhãn hiệu qua các đặc điểm nhận dạng về hình ảnh, màu sắc, tên gọi, khẩu hiệu và ngôn từ.

Nhãn hiệu còn là lời hứa hẹn của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng thông qua những thông điệp được truyển tải lên đó. Điều này giúp gia tăng hiệu quả mua hàng đồng thời đòi hỏi doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến chất lượng của nhãn hiệu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Nguồn: http://univistudio.com/nhan-hieu-la-gi/