Tổng hợp ý nghĩa của màu sắc thường gặp trong thiết kế thương hiệu

Theo một khảo sát cho biết, có tới 85% người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm mà màu sắc là lý do quyết định chính. Mặt khác, màu sắc còn ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, cảm xúc và tâm lý người dùng. Chính vì lý do đó, doanh nghiệp cần lựa chọn màu sắc logo và bộ nhận diện thương hiệu một cách thận trọng thay vì chỉ mang tính cảm quan rằng nó đẹp hay ấn tượng. Để làm được điều này, trước tiên chúng ta cần nắm được ý nghĩa của màu sắc.

Xem thêm:


Màu đỏ: đại diện cho sự nhiệt huyết và năng lượng. Màu đỏ còn thể hiện niềm đam mê, khao khát cháy bỏng. Sắc màu này có thể gợi lên sự đói bụng, thèm ăn – điều này lý giải cho việc các nhà hàng, công ty kinh doanh đồ ăn uống thường chọn sắc đỏ làm màu chủ đạo như đã đề cập ở đầu bài viết. Ngoài ra, màu đỏ còn là biểu trưng của tình yêu và lễ hội Giáng sinh.

Màu xanh lá cây: biểu tượng cho năng lượng và sự thịnh vượng, tạo ra cảm giác thư giãn cho người tiếp xúc. Màu xanh lá cây thường được sử dụng khi doanh nghiệp muốn nhấn mạnh sự tự nhiên, tươi mát; phù hợp với các sản phẩm hữu cơ, chiết xuất tự nhiên.

Màu xanh da trời: màu của bầu trời và đại dương, khơi gợi sự điềm tĩnh và thanh bình. Các hãng hàng không hay công ty kinh doanh du lịch thường chọn màu xanh da trời cho thương hiệu vì màu sắc này mang đến sự an tâm, tin tưởng cho khách hàng. Màu sắc này còn thể hiện tính chuyên nghiệp, sự nghiêm túc và chân thành.

Màu tím: màu tím đậm kích thích sự huyền bí, tinh vi. Màu tím nhạt khơi gợi sự hoài cổ. Màu sắc này còn có mối liên hệ với hoàng tộc, thể hiện sự cao quý. Các tổ chức tôn giáo, giáo dục và một số công ty mỹ phẩm thường sử dụng màu này.

Màu vàng: thể hiện sự sáng tạo, gợi lên cảm giác ấm áp. Ý nghĩa của màu sắc này còn là tính logic, hướng ngoại và tự tin. Tuy nhiên màu vàng không được sử dụng nhiều trong logo cũng như nhận diện thương hiệu vì nó dễ gây khó chịu cho người dùng. Cho nên màu vàng thường chỉ được dùng để làm nổi bật màu sắc khác.

Màu cam: sôi động và đầy vui tươi, màu cam được sử dụng nhiều ở các công ty thể thao và ngành công nghiệp thực phẩm cho trẻ em. Tương tự như màu đỏ, màu cam cũng có thể khơi gợi cảm giác đói bụng. Nhiều công ty thường dùng màu cam để thương hiệu nổi bật hơn các đối thủ cạnh tranh

Màu đen: không u ám như nhiều người thường nghĩ, ý nghĩa của màu sắc này là sự huyền bí, trang nhã, tinh tế và đẳng cấp. Chính vì vậy, ta thường gặp logo màu đen ở các thương hiệu thời trang và công nghệ như Adidas, Gucci, Sony…

Màu trắng: thể hiện sự trong sạch và tinh khiết. Màu trắng thường được phối hợp với màu đen hoặc màu xanh da trời để gợi lên cảm giác lịch sự, chuyên nghiệp – rất phù hợp với các doanh nghiệp lớn.

Màu bạc: giống như màu đen, màu bạc thể hiện sự đẳng cấp của thương hiệu. Ngành công nghiệp ô tô rất ưa chuộng màu bạc, ta có thể gặp nó ở logo của Honda, Toyota, Mercedes – Benz… hoặc ở logo hình trái táo nổi tiếng của hãng công nghệ Apple… Màu bạc cũng thường được kết hợp với màu đen, hướng tới sự trang nhã và đẳng cấp.

Màu hồng: ngây thơ, dịu dàng, thẩm mỹ. Đây là màu sắc nữ tính, phù hợp với ngành thời trang. Nhìn chung đa số các công ty hướng đến đối tượng khách hàng là trẻ em đều sử dụng màu hồng vì nó gợi lên sự trong trẻo, vui tươi – cũng là màu sắc được các bạn nhỏ yêu thích.

Màu nâu: màu sắc đại diện của nhiều thương hiệu cà phê và soco la. Ý nghĩa của màu sắc này là sự tin cậy, ấm cúng, mang đến cảm giác vững chắc cho khách hàng. Màu nâu còn tượng trưng cho đất, phù hợp với các sản phẩm mang tính nông thôn, mộc mạc.

Chọn màu sắc thương hiệu và một số lưu ý

Như đã phân tích bên trên, mỗi màu sắc đều mang những thông điệp khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ dựa trên ý nghĩa của màu sắc, mà còn cần quan tâm đến tính văn hóa, vùng miền. Khi thâm nhập vào thị trường mới, doanh nghiệp cần quan tâm đến sự khác biệt văn hóa địa phương, và màu sắc là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Chẳng hạn như ở Thái Lan, màu vàng từng được xem là một màu rất nhạy cảm vì liên quan đến vấn đề chính trị; hay ở Ấn Độ, màu đỏ đại diện cho quyền lực và sự giàu có trong khi ở Nam Phi, nó lại liên tưởng đến sự chết chóc…

Bên cạnh đó, văn hóa phương Đông chú trọng đến yếu tố phong thủy. Màu sắc còn cần hợp cung mệnh chủ doanh nghiệp để thuận lợi cho công việc làm ăn. Đặc biệt cần tránh những màu tương khắc, mang đến điều không may mắn.

Ngoài những màu sắc chủ đạo, bảng màu sắc cho logo và bộ nhận diện thương hiệu nói chung rất da dạng. Bạn có thể sử dụng một màu hoặc kết hợp các màu sắc lại với nhau để truyền tải thông điệp đến khách hàng dựa theo những ý nghĩa của màu sắc như đã đề cập trong bài viết. Hãy để lại comment hoặc liên hệ với chúng tôi để nhận được sự tư vấn tốt nhất cho logo và hệ thống nhận diện thương hiệu của bạn nhé.