Với trẻ em thì phòng riêng cũng có công năng chính là nơi ngủ nghỉ nhưng đa số được kết hợp thêm làm chỗ chơi đùa, góc học học tập và nhiều khi còn là nơi để đồ riêng.

Phòng trẻ em là một không gian tương đối đặc biệt bởi “chủ nhân” là đối tượng… đặc biệt. Đây là một thế giới riêng, có ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ trong quá trình sống, sinh hoạt, học tập. Để “thế giới riêng” này tối ưu vai trò công năng của một phòng chức năng, đồng thời có cá tính, thì chúng ta cần phải biết phòng trẻ cần gì?







Cần đặt an toàn trên hết trong phòng của trẻ.



Những chức năng cần thiết
Do vậy, trong phòng của trẻ, vị trí đặt giường - đệm để ngủ cho trẻ phải được cân nhắc và ưu tiên hàng đầu.Tùy theo số trẻ ở chung trong phòng, độ tuổi, giới tính mà có thể đưa ra các thiết kế phù hợp về kiểu dáng, kích thước, màu sắc của hệ thống giường, đệm, trên cơ sở ưu tiên tạo lập một chỗ ngủ - nghỉ thuận lợi, an toàn.
Với không gian chơi đùa, cần dành cho trẻ một mặt bằng rộng nhất có thể vì chỗ chơi trong phòng luôn cần thiết. Nên có một khoảng sàn đủ để bé chơi đùa, hoặc chơi với những loại đồ chơi cần mặt phẳng như đồ chơi chuyển động, lắp ghép - xếp hình... Do vậy, không nhất thiết phải đặt giường ở giữa phòng với lối đi hai bên (như kiểu phòng người lớn) mà nên đẩy sát về một phía để có khoảng không gian chơi cho trẻ.
- Góc học tập: Nếu có điều kiện thì đưa góc học tập của bé ra một không gian riêng, nhưng với trẻ từ cấp hai và cấp ba thì có thể bố trí góc học tập của các bé chung với phòng ngủ. Đi cùng với bàn học nhất thiết phải có giá kệ cho bé để sách vở và các học cụ. Cần chú ý là bên cạnh việc học (viết, đọc), bé còn có nhu cầu chơi, làm thủ công trên bàn nên mặt bàn phải rộng nhất có thể.
- Tủ, kệ để đồ: Ngoài những tủ, kệ để quần áo và các đồ dùng sinh hoạt cá nhân khác (như ba lô, túi, nón...) thì phải có hệ thống tủ - kệ để đồ chơi. Cho dù lứa tuổi có thay đổi, thì khoảng thời gian chơi này của trẻ cũng khá dài (từ khoảng 4 đến 12 tuổi) với nhiều loại đồ chơi khác nhau. Cần phải có các ô, hộc tủ cho trẻ cất đồ cũng như các giá, kệ cho trẻ trưng bày. Lưu ý rằng thiết kế cần đưa ra các kích thước khác nhau, phong phú để có thể chứa nhiều loại đồ.
An toàn trên hết
Dù là phòng riêng, nhưng trẻ em thường không thể tự kiểm soát hay chủ động xử lý các tình huống bất ngờ nếu xảy ra. Vì vậy, sự tiện dụng và an toàn trong phòng trẻ là một vấn đề rất quan trọng. Mặt bằng bố trí phòng luôn phải đảm bảo logic, khoa học, mạch lạc, giao thông thuận tiện; tránh việc có các cấu trúc, yếu tố bất thường như các góc nhọn đâm ra, chênh cốt...
Hệ thống kỹ thuật điện phải tuyệt đối an toàn và có đầy đủ các thiết bị an toàn để tự động ngắt khi có sự cố. Các hệ thống điện, nước, điện tử vận hành phức tạp không nên đặt trong phòng trẻ; hoặc nếu có thì không trao quyền điều khiển, vận hành cho trẻ. Các hệ thống cửa, hoa sắt, lan can liên quan đến cầu thang, giếng trời, ban công, logia phải được thiết kế đúng tiêu chuẩn an toàn. Việc vận hành liên quan đến hệ thống cửa sổ, cửa ra ban công, logia phải được người lớn kiểm soát chặt chẽ; vì trẻ em rất hiếu động.
Cần lưu ý cả vấn đề an toàn thoát hiểm. Khi có sự cố, trẻ thường không xử lý được mà chỉ phản ứng theo bản năng là kêu cứu hoặc chạy trốn. Hệ thống cửa, khóa phòng trẻ không nên quá phức tạp, hiệu quả theo kiểu “bền - chắc” mà cần dễ sử dụng - cho trẻ vận hành ở hướng thoát ra ngoài cũng như hướng tiếp cận (của người lớn) từ ngoài nếu có sự cố. Với trẻ em ở tuổi nhỏ (dưới 10 tuổi), mức độ riêng tư không cao, nên cửa phòng có thể làm cửa có ô kính trong để dễ quan sát từ bên ngoài và nếu có sự cố có thể phá vỡ kính để mở chốt khóa bên trong.