Đây là một liệu pháp rất hay đó bạn, sử dụng trong y tế hay đông y đều đem lại hiệu quả cao.

Trong y tế luôn có những phương pháp chữa bệnh cần được sử dụng rộng rãi , và phương pháp châm cứu xuyên huyệt này của bác sỹ Tâm rất hay mà nhiều nơi đã ứng dụng. Nó cải thiện sức khỏe và tinh thần cho người bệnh, có thể khôi phục dần và giảm thiểu một số loại bệnh đơn giản. Có thể bạn chưa biết về điều này, vậy hãy tham khảo trong bài viết ngay sau đây nhé.

"Ngoan nào! Bác châm cho cháu khỏe lại nào!", bác sĩ Tâm dỗ dành. Bé Bình bị bại não, đang được điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương.

Đôi tay bác sĩ đặt lên lưng cậu bé, căng da, tán khí, giảm đau. Những kim châm với kích thước dài ngắn khác nhau, lần lượt được lấy ra từ hộp. Cầm chiếc kim, bác sĩ tỉ mỉ đưa vào nhiều huyệt trên lưng em, nhanh, gọn. Như thường lệ, Bình quấy khóc. Bố mẹ phải giữ chặt hai chân, hai tay cậu bé. Sau đó, bác sĩ Tâm dùng dây nối từ xung điện, truyền qua đầu kim. Đây là thủ pháp bổ tả, mục đích các kim đều được điều khí trong toàn bộ quá trình, bệnh nhân mau khỏi bệnh hơn.

Chưa đầy 5 phút sau, những chiếc kim châm nằm gọn tại các huyệt vị trên lưng bé Bình. Bác sĩ điều chỉnh cường độ dòng điện và tần số thích hợp. Thủ pháp tả thì tần số nhanh cường độ mạnh, thủ pháp bổ thì tần số chậm, cường độ yếu. Em nằm im, ngoan ngoãn, không còn quấy khóc.

Sau khi châm cứu cho bé Bình, bác sĩ di chuyển sang tiếp giường kế bên. Một bệnh nhân lớn tuổi hơn, chân bị liệt chỉ duỗi thẳng mà không thể gập lại. Bác sĩ Tâm lấy ra chiếc kim dài 20 cm. Cũng bằng những thao tác như với bé Bình, song lần này bác sĩ châm vào huyệt ở đầu gối bệnh nhân, khéo léo di chuyển tay theo hướng kim, xuyên vị trí đùi, đưa qua da, sau đó đưa từ từ sang vùng huyệt kia. Đây là kỹ thuật châm kim dài, xuyên kinh xuyên huyệt, vẫn với nguyên lý tác động lên kinh lạc, huyệt vị, điều khí để khí huyết lưu thông.

Chàng trai giường bên, 22 tuổi, là người nhà bệnh nhân, chăm chú quan sát bác sĩ Tâm châm cứu, ánh mắt không rời.

"Thật là kỳ diệu", nam thanh niên thốt lên.

Anh biết về phương pháp châm cứu nhưng đây là lần đầu tiên được nhìn trực tiếp quá trình châm cứu diễn ra như thế nào. Không kiềm chế được sự tò mò, anh hỏi: "Trong chiếc kim kia có thuốc không hả bác sĩ?". Chưa nhận được câu trả lời, anh tiếp tục hỏi: "Bị bại não thì sao lại châm cứu ở lưng ạ?", "Kim châm vào da thịt thế kia chắc là đau lắm nhỉ?".

Đã có nhiều người hỏi bác sĩ Tâm những câu như vậy. "Họ cũng đều thấy tò mò, thích thú khi nhìn tôi châm cứu", bác sĩ cười nói. "Thực tế chả có thuốc gì trong chiếc kim châm cả. Đông y rất hay ở chỗ là không phải dùng thuốc".



Bệnh nhân tại Khoa Nhi Bệnh viện Châm cứu Trung ương đa phần bị bại não, liệt vận động, ngôn ngữ, được bác sĩ điều trị bằng các kỹ thuật của y học cổ truyền là điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, cứu ngải, cấy chỉ. Nguyên lý của châm và cứu là tác động lên các huyệt vị, kinh lạc để khí huyết lưu thông, con người khỏe mạnh. Điện châm là dùng kim châm vào huyệt, thủy châm là tiêm vào huyệt (ở Tây y là tiên vào tĩnh mạch), bấm huyệt là dùng tay bấm vào huyệt, cứu ngải là hơ mồi ngải vào huyệt, và cấy chỉ là dùng chỉ tự tiêu (chỉ dùng khâu các vết mổ trong Tây y), cắt đoạn ngắn, đưa vào huyệt, 15-20 ngày là chỉ tiêu hết.

Giải thích về cách xuyên cây kim từ huyệt này sang huyệt kia như vừa làm, bác sĩ cho biết: "Kỹ thuật từ nghìn xưa, nhưng châm xuyên kim giữa các huyệt là mình đúc rút từ bài học thực tế để thực hiện nhuần nhuyễn hơn". Nếu châm không đúng huyệt thì bệnh nhân sẽ bị đau nhiều. Cây kim dài nhất bác sĩ từng châm cứu lên đến 40 cm.

Đông y chỉ có các huyệt vị, kinh mạch, tạng phủ. Ví dụ bệnh nhân tổn thương kinh bàng quang, kinh tỳ, kinh thận, kinh vị, kinh đờm... Những kinh đó chạy khắp cơ thể, từ não xuống chân. "Vậy nên, không phải cứ bị tổn thương ở não thì mới châm vào não. Đau đầu nhưng có khi lại châm ở chân", bác sĩ nói.

Tâm, trí, khí, lực, pháp, hành là 6 yếu tố cần khi châm và cứu, trong đó, "hành" là quen tay, là cảm nhận. Kim đi đến đâu, vào đến huyệt, mình tự cảm xem kim đó đắc khí chưa. Đưa kim vào tùy từng chỗ nông sâu khác nhau, ví dụ có những huyệt ở mông, ở đùi phải sâu hơn, trong khi những huyệt ở má thì nông. "Tất cả đó trong quá trình 'hành' mình cảm nhận một cách tinh tế và dồn tâm trí vào nghề, làm nhiều mới thấu", bác sĩ chia sẻ.



Bác sĩ Dương Văn Tâm sinh năm 1960, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1988 và bắt đầu công tác tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương từ năm 1990. Gần 40 năm làm nghề, "Giờ nhắm mắt cũng châm được", bác sĩ nói.

Người thầy thuốc kể, lúc bắt đầu học châm cứu, được các thầy dạy về huyệt đạo, rồi cứ thế sinh viên tự châm cho nhau dưới sự hướng dẫn của thầy. Ngày xưa không có mô hình, cũng không có người nhựa, tượng... như bây giờ, chỉ có bức tranh để sinh viên biết các huyệt vị. Trên cơ thể người có hơn 360 tên huyệt, trên 700 huyệt, đi học và hành nghề cứ nhớ dần.

"Lúc tôi châm cho đứa bạn, nói thật, khi đấy chả run, vì có thầy đứng cạnh rồi", bác sĩ cười nhớ lại. Thầy giáo không chỉ dạy cách châm sao cho đúng huyệt vị mà còn chỉ dẫn cách đặt kim, hướng kim, nông sâu thế nào ở từng vị trí, từng loại bệnh. "Lúc tôi châm cứu cho bệnh nhân đầu tiên, thấy rất hồi hộp". Ông vẫn nhớ đó là một cụ bà lớn tuổi, tình trạng khó thở, đến viện để cắt cơn hen. Ngày xưa có một số loại thuốc trị ho, hen suyễn song uống không đỡ nên nhiều người tìm đến châm cứu.


"Lúc châm cứu xong khoảng 30 phút, bệnh nhân dễ chịu hẳn, không cần uống thuốc. Tôi bắt đầu thấy thần kỳ", ông chia sẻ. "Bệnh nhân còn thốt lên: Châm đến đâu nhẹ đến đấy, mình vui khó tả".

Những bệnh nhân sau này của bác sĩ Tâm hầu hết là người mắc di chứng về thần kinh như liệt, mù, điếc, câm... là biến chứng của viêm não. Ông đều tiến hành châm và cứu để phục hồi chức năng cho họ. Kỹ thuật khó là kỹ thuật dùng xuyên kinh xuyên huyệt, châm làm sao đừng để cho bệnh nhân bị đau nhiều, đấy là sự khác nhau giữa các bác sĩ.



Bác sĩ chia sẻ, các cụ ngày xưa châm kim vào huyệt, 15-20 phút lại làm thủ pháp bổ tả (kim bổ thì xoay bổ, kim tả thì xoay tả), để tăng hiệu quả điều khí, bệnh chóng khỏi. Tuy nhiên, hồi đó thủ pháp bổ tả được thực hiện bằng tay, bác sĩ xoay cây kim, nhấc lên nhấc xuống, bệnh nhân đau đớn, hiệu quả kém. Ngày nay, các phương pháp châm và cứu hiện đại có sự kết hợp giữa Đông và Tây y.

Phương pháp điện châm: châm kim vào huyệt của Đông y, dùng các xung điện là các tác nhân vật lý của Tây y. Phương pháp thủy châm: ống thuốc bổ thần kinh của Tây y, bác sĩ lấy xilanh hút vào, tiêm vào huyệt là Đông y. Chỉ cắt huyết của y học hiện đại cũng được kết hợp vào phương pháp cấy chỉ của Đông y. Phương pháp cứu ngải có sử dụng đèn chiếu tia hồng ngoại, chiếu được tất cả các huyệt bị, tác dụng khí huyết lưu thông.

"Khi hiểu được nguyên lý của các phương pháp trong đông y, mình mới thấy yêu kỹ thuật châm cứu", bác sĩ nói. Những bệnh nhân bị duỗi cứng mất não, hôn mê, đời sống thực vật, chuyển đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương trong tình trạng ăn xông, điều trị bằng Đông y đã có thể rút được xông ra, nhai nuốt. Nhiều bệnh nhân từ liệt mà nhờ châm cứu có thể vận động được, nhận thức được.

"Những cháu bị di chứng thần kinh nặng nề, chữa cho các cháu đi lại được, nói được, nhận thức được, sau này có thể đi học được, mình vui lắm", bác sĩ chia sẻ. Ngày xưa có dịch viêm não Nhật Bản, bác sĩ tiếp nhận nhiều bệnh nhi từ viện Nhi Trung ương chuyển sang. Tây y chỉ chữa bệnh lý cấp tính, sau khi qua được giai đoạn nguy kịch tính mạng, bệnh nhân thường bị di chứng não. "Bệnh đi liền với tật. Tây y chữa được bệnh nhưng để lại tật. Khi đó, nhiệm vụ của Đông y là phục hồi chức năng", bác sĩ nói.

Gia đình bác sĩ Tâm có truyền thống nghề y nhiều đời. Ông yêu mến trẻ con nên theo học khoa Nhi. "Nhìn các cháu bị bại não, liệt vận động, mất ý thức, tôi thấy rất thương. Chữa theo Đông y tuy hiệu quả nhưng bệnh nhân và người nhà cần phải điều trị kiên trì nhiều đợt trong nhiều năm, thường là những bệnh nhân nghèo. Tôi mong muốn mình được làm việc thật lâu để chứng kiến những giây phút các cháu vận động được, nhận thức được, là tôi đã cảm thấy mãn nguyện rồi", bác sĩ chia sẻ.
Nguồn : http://chuonggoiyta.vn/giai-phap/bac-si-dong-y-dung-thu-phap-cham-cuu-xuyen-huyet-doc-dao-150.html