Bây giờ làm gì cũng hát, từ tiệc, sinh nhật, giỗ chạp, hội hè, thậm chí chỉ vài ba người ngồi lại với nhau uống vài lon bia cũng không thể thiếu tiết mục “hát cho nhau nghe”, bất kể trưa nắng hay đêm khuya. Do không có hệ thống cách âm nên âm thanh phát ra từ những chiếc loa công suất lớn khiến không ít người than phiền, thậm chí trở thành vấn nạn gây phiền toái cho những người sống xung quanh.


“Karaoke di động” - loại hình giải trí mới!

Tình trạng hát karaoke bằng loa công suất lớn trong khu dân cư đã và đang trở thành vấn nạn thật sự khi chính quyền địa phương nhận không ít lời phàn nàn từ người dân. Thực tế, chỉ cần sắm một loa thùng, loa “kẹo kéo”, điện thoại kết nối bluetooth hoặc tivi có kết nối wifi, mọi nơi đều có thể trở thành quán “karaoke di động”, thoải mái hát hò từ sáng đến khuya. Đây là loại hình giải trí mới, tiện ích, rẻ tiền nên được nhiều người ưa chuộng, thường xuyên sử dụng.

Buổi tối, tình trạng này càng diễn ra phổ biến. Trên một số tuyến đường tập trung nhiều quán nhậu như: Trần Hưng Đạo, Hồ Nghinh, Nguyễn Tất Thành, Chương Dương… đều xuất hiện loại hình karaoke “kẹo kéo”, hát cho nhau nghe. Không riêng nhóm người bán bánh, kẹo hát phục vụ khách đôi ba bài, nhiều quán sẵn sàng giúp khách hàng thuê hẳn dàn karaoke để phục vụ tiệc tùng, liên hoan, hội họp. Tag: cách âm karaoke

Dạo một vòng trên đường Chương Dương (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), chúng tôi thấy một số thanh niên sử dụng loa “kẹo kéo” hát phục vụ thực khách ở các bàn nhậu. Khoảng 20 giờ ngày 24-2, tại quán Simsimi (lô 10-11-12 Chương Dương), một nam thanh niên chạy xe máy chở loa “kẹo kéo” đến rồi thản nhiên ôm loa đi vào quán hát phục vụ mọi người. Vừa hát, nam thanh niên này vừa mời chào mua kẹo. Khi người này vừa hát xong thì một nhóm thanh niên đang tổ chức sinh nhật tại quán đề nghị mượn loa, micro để cất lời ca với mức kinh phí 20.000 đồng/bài. Nam thanh niên vui vẻ đồng ý và chọn bài trên điện thoại theo đề nghị của khách. Âm thanh cứ thế phát ra chát chúa, tiếng hát trong men say càng lạc nhịp tạo thành tiếng ồn “tra tấn” những người xung quanh.

Tương tự, tại những quán nhậu trên các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Hồ Nghinh (quận Sơn Trà) thường xuyên có một người phụ nữ trẻ với chiếc loa “kẹo kéo” hát vài bài khai màn để bán kẹo. Nếu khách cao hứng muốn hát tại bàn sẽ được đáp ứng ngay lập tức.

Tại quán nhậu Kiều Trinh trên đường Phạm Văn Đồng, chị H. bán kẹo bằng loa kẹo kéo cho hay, ban ngày chị làm công nhân, tối tranh thủ đi hát dành dụm tiền hằng tháng gửi về quê cho cha mẹ. “Chúng tôi đi làm suốt ngày, ít lên mạng xã hội nên không biết hát như vậy ảnh hưởng đến người khác, chỉ thấy lời ca tiếng hát dễ tạo thiện cảm, nhờ đó dễ dàng bán kẹo hơn”, chị H. nói.

Trước “phong trào” hát karaoke tại nhà, dịch vụ cho thuê dàn amply, karaoke di động cũng mọc lên như nấm với mức giá từ vài trăm ngàn đồng đến 1 triệu đồng/buổi. Ông N.T.H (trú ở đường Nguyễn Thị Ba, phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà) cho hay, cuối tuần, ông thường xuyên đưa gia đình đi siêu thị, công viên, bãi biển để lánh nạn vì bị karaoke nhà hàng xóm “tra tấn”. Thời gian đầu, hàng xóm thuê dàn karaoke về hát mỗi tháng một đôi lần để giải trí, nay họ mua hẳn loa công suất lớn, kết nối với tivi màn hình lớn để hát thường xuyên. Tag: ban ghe karaoke

“Trước đây, họ chỉ hát khi liên hoan, giỗ chạp, nay rảnh giờ nào hát giờ đó, bất kể nhậu hay không, đôi lúc mở toang cửa, bật karaoke chỉ để trẻ con tập hát, rồi cười đùa, ồn không thể nào chịu nổi”, ông H. chia sẻ.

Từ phong trào “hát cho nhau nghe” này, nhiều chuyện bi - hài đã diễn ra. Vào những ngày cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, một gia đình sống tại góc đường Hồ Hán Thương - Chu Huy Mân (phường Nại Hiên Đông) tổ chức tang lễ. Trong khi gia đình này than khóc, đau buồn thì ngay cạnh đó, nhiều gia đình tổ chức tiệc tất niên đã thuê dàn karaoke về hát từ trưa nắng đến đêm muộn. Vậy là, một bên là nhạc đám ma thảm thiết, buồn thương và một bên là nhạc xuân xập xình, đinh tai nhức óc tạo thành luồng âm thanh vô cùng phản cảm.

Hát cho ai nghe?

Phong trào hát karaoke tại nhà, quán nhậu, nơi công cộng… đang lan nhanh tại Đà Nẵng. Chị T.M (trú đường Cẩm Chánh 5, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) than phiền rằng, khu vực chị ở đang bị karaoke gia đình “tấn công” với mức độ dày đặc. Hầu như tuần nào cũng có ít nhất 4 lần karaoke vang lên ầm ĩ khiến chị cảm thấy bức bối, khó chịu.

“Mỗi khi ở nhà, tôi chỉ muốn yên tĩnh để nghỉ ngơi nhưng thời gian qua, tôi luôn bị tra tấn bởi tiếng ồn từ các cuộc vui hát hò của hàng xóm. Vì sử dụng loa di động nên họ thích xoay bên nào thì xoay, khi thì ngồi hát trong nhà, khi kéo ra sân, khi kéo ra tận vỉa hè.

Tôi không rõ họ muốn hát cho ai nghe, nếu chỉ hát cho nhau nghe (những người cùng mâm tiệc - PV), họ phải ý tứ hát nhỏ trong nhà, chốt cửa cẩn thận để giảm bớt âm thanh tránh ồn ào cho bà con lối xóm. Buổi tối, trẻ con phải học bài, người già cần nghỉ ngơi, người lớn cần yên tĩnh mà như thế này mãi thì sao chịu cho nổi. Chính quyền phải có cách nào đó chứ chẳng lẽ cứ nhắc nhở rồi thôi”, chị M. bức xúc. Tag: ban karaoke

Cũng theo chị M., không chỉ người dân thiếu ý thức, mà đến tổ phó tổ dân phố nơi chị đang sinh sống cũng thường xuyên dùng loa kẹo kéo, mở loa to hát karaoke liên tục kể cả buổi trưa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn bởi loại hình giải trí karaoke di động tại Đà Nẵng đang ở mức báo động. Ngoài việc trực tiếp gọi điện thoại đến đường dây nóng của UBND phường, một số người dân chia sẻ nỗi bức xúc của mình qua trang facebook cá nhân, cổng góp ý thuộc Hệ thống Thông tin chính quyền điện tử thành phố, trang “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp”…

Đơn cử, trên Cổng góp ý (https://egov.danang.gov.vn), một người dân bức xúc: Đường Cao Xuân Huy, đoạn từ Hà Huy Giáp đến Tố Hữu (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) có một số hộ thường xuyên tổ chức ăn nhậu, hát karaoke gây ồn ào cả ngày lẫn đêm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Điển hình dịp Tết Nguyên đán, tại số nhà 32-34 Cao Xuân Huy tổ chức hát karaoke liên tục, mồng 3 hát 11 tiếng (từ 9 đến 20 giờ), mồng 4 hát 8,5 tiếng (từ 13 đến 21 giờ 30)...

Các hộ lân cận rất bức xúc nhưng ngại góp ý. “Thiết nghĩ cần phải có quy định, chế tài xử phạt chứ để tình trạng gây ô nhiễm tiếng ồn trầm trọng như thế không thể chấp nhận được trong thời đại văn minh. Rất mong chính quyền các cấp có giải pháp để mang lại phố trong lành, yên bình cho nhân dân”, người này viết.

Được biết, việc xử lý vi phạm hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 nhưng cơ quan chức năng cho rằng, đây là loại ô nhiễm khó xử lý nhất bởi phụ thuộc phần lớn vào ý thức và hành vi ứng xử của người dân.

Nguồn: baodanang.vn